Ước gì có cách bóc trứng luộc không nát! Đây hẳn là nỗi lòng của bạn khi bất lực cầm trên tay quả trứng, ra sức bóc vỏ trứng luộc nhưng cuối cùng nó lại nát bét đúng không?
Thực vậy, ai mà chưa từng trải qua cảnh này cơ chứ. Vỏ trứng thì vỡ vụn ra, bóc tới đâu lòng trắng dính sát rồi bật ra theo sau đó, có khi nó còn chui cả vào kẽ móng tay trông thật khó chịu!
Và đó mới chỉ là một quả trứng mà thôi, nếu chục quả trứng thì sao? Chắc bạn bất lực và nhìn nản kinh khủng. Trớ trêu thay, các mẹo vặt trên mạng đôi khi “áp dụng cũng như không“.
Suy cho cùng, phải hiểu sâu tận gốc rễ của cách bóc trứng luộc, các khoa học về chúng, từ đó mới có thể áp dụng để bóc vỏ trứng luộc một cách dễ dàng hơn.
Giáo sư Paulomi Burney đã đưa ra lời giải thích cho cách bóc trứng luộc tốt nhất thông qua bài viết “Is there a best way to peel a boiled egg? A food scientist explains” dựa trên những gì mà khoa học nghiên cứu trong suốt 65 năm qua.
Cách bóc trứng luộc không chỉ là câu chuyện bếp núc thông thường, đó là cả một bầu trời khoa học đã được các nhà vật lý, hóa học nghiên cứu ngay từ những năm thập niên 1960.
Cấu tạo của trứng
Trứng bao gồm một lớp vỏ cứng, xốp, màng trong và màng ngoài, lòng trắng trứng (albumen) và một lòng đỏ được bao bọc bởi màng ở trung tâm. Ngoài ra còn có một khoang không khí nằm giữa màng trong và màng ngoài, sát với vỏ trứng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bóc vỏ trứng luộc
Độ pH
Đã có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện vào cuối những năm 1960 và 1970 về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bóc vỏ trứng luộc. Một trong những yếu tố đó là độ pH của lòng trắng trứng. Một nghiên cứu sớm từ những năm 1960 chỉ ra rằng độ pH của lòng trắng trứng cần nằm trong khoảng 8.7 – 8.9, tức là khá kiềm, để quả trứng dễ bóc hơn.
Nhiệt độ bảo quản
Nhiệt độ bảo quản cũng là yếu tố ảnh hưởng đến bóc vỏ trứng luộc có thuận lợi hay không. Một nghiên cứu từ năm 1963 cho thấy rằng bảo quản trứng ở khoảng 22 độ C (hoặc 72 độ F) cho kết quả bóc vỏ tốt hơn so với bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn như 13°C, hoặc thậm chí là nhiệt độ tủ lạnh từ 3 – 5°C.
Tất nhiên, trứng để ở nhiệt độ môi trường cao hơn có nguy cơ trứng bị hỏng lớn hơn. Trong các nghiên cứu, việc tăng thời gian bảo quản trước khi luộc, nghĩa là sử dụng trứng kém tươi hơn, cũng làm tăng khả năng bóc vỏ trứng luộc dễ dàng hơn.

Cách luộc trứng dễ bóc vỏ
Bước một: Tránh dùng trứng tươi
Thưc tế đã có khá nhiều người biết rằng trứng tươi khó bóc vỏ hơn. Dựa trên các yếu tố đã đề cập ở trên, chúng ta có một vài lý do để lý giải tại sao tránh dùng trứng tươi lại là cách để bóc vỏ trứng luộc dễ dàng.
Thứ nhất, ở một quả trứng tươi, khoang không khí vẫn còn khá nhỏ. Khi trứng già đi, nó (rất) chậm rãi mất đi độ ẩm qua lớp vỏ xốp, làm tăng kích thước của khoang không khí, trong khi phần còn lại của lòng trứng co lại. Khoang không khí lớn hơn giúp việc bóc vỏ trứng luộc dễ hơn.
Ngoài ra, lòng trắng trứng, mặc dù đã có độ kiềm dầu tương đối nhưng độ pH sẽ tăng lên khi trứng già đi, pH trứng cao cũng khiến nó dễ bóc hơn.
Nhìn chung, một quả trứng cần phải đạt đến độ già nhất định thì mới thuận tiện trong bóc vỏ trứng luộc. Nhưng làm sao để xác định độ già của trứng?
Các nhà khoa học cho biết nếu bạn để trứng ở ngoài trời vào ngày hè 38°C thì chỉ mất 1 ngày để trứng đủ già. Nhưng nếu ở khoảng nhiệt 24°C thì mất 3 ngày. Còn nếu bạn để trứng trong tủ lạnh 4°C, phải mất khoảng thời gian tối thiểu là 5 ngày.
Bước hai: Nhiệt độ nước
Một số chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này tin rằng hạ nhỏ lửa khi nước đang sôi, sau đó nhẹ nhàng đặt trứng vào thì khi chín, bóc vỏ trứng luộc sẽ dễ hơn. Cách làm này đúng, đặc biệt với trứng để ở nhiệt độ phòng, nếu không thì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến trứng bị nứt khi luộc.
Lý do sâu hơn cho phương pháp này là chính là việc tiếp xúc với nhiệt độ cao ngay từ đầu quá trình cũng giúp màng trứng dễ tách khỏi vỏ và lòng trắng trứng. Nghĩa là thay vì đặt trứng vào nồi khi nước còn lạnh rồi từ từ đun sôi, thì hãy đợi tới lúc nước sôi rồi thả vào để trứng được tiếp xúc với nhiệt độ nước cao ngay từ ban đầu.
Hơn nữa, việc bắt đầu bằng nhiệt độ cao khiến cho protein trong lòng trắng trứng dễ biến tính (thay đổi cấu trúc khi nấu chín) và kết nối với nhau, thay vì dính vào màng trứng.
Sau khi luộc trứng trong khoảng thời gian mong muốn (thường là 3 – 5 phút cho lòng đỏ chảy, 6 – 7 phút cho lòng đỏ sánh, và 12 – 15 phút cho trứng chín hoàn toàn), bạn có thể làm nguội trứng bằng cách thả vào nước đá. Việc này giúp lòng trắng trứng hơi co lại khỏi vỏ, cải thiện khả năng bóc vỏ trứng luộc.
Hãy kết hợp bắt đầu luộc trứng với nước nóng và thả trứng vào nước đá sau khi luộc xong, bạn có thể bất ngờ về độ dễ bóc của chúng đấy!
Bước ba: Thêm các thành phần tùy chọn vào nước khi luộc
Một số gợi ý khác để cải thiện khả năng bóc vỏ trứng luộc bao gồm thêm muối vào nước luộc. Trong một nghiên cứu, phương pháp này thực sự cải thiện khả năng bóc vỏ, nhưng tác dụng này sẽ mất đi sau khi trứng được bảo quản trong thời gian dài hơn.
Các axit và kiềm cũng đã được chứng minh là hỗ trợ khả năng bóc vỏ trứng, làm mềm vỏ, loại bỏ vỏ dễ dàng hơn.
Dựa trên ý tưởng đó, bạn có thể thử thêm baking soda hoặc giấm vào nước. Với giấm, lý thuyết cho thấy là nó tấn công vào canxi cacbonat trong vỏ trứng, giúp việc bóc vỏ dễ hơn. Còn baking soda, vì nó là chất kiềm, nó có thể giúp màng trứng tách khỏi vỏ.
Các phương pháp thay thế để nấu chín trứng
Có các phương pháp khác để nấu chín trứng, như hấp bằng nồi áp suất, chiên bằng nồi chiên không dầu và thậm chí là sử dụng lò vi sóng.
Trong phương pháp hấp trứng, một số người cho rằng hơi nước xuyên qua vỏ trứng, làm lỏng màng trứng khỏi lòng trắng, từ đó khiến trứng dễ bóc hơn rất nhiều.
Dù gần đây có nhiều nghiên cứu về làm chín trứng qua nồi chiên không dầu nhưng để kết luận rõ ràng thì vẫn cần nghiên cứu thêm mới có thể hiểu rõ hơn cách nấu này ảnh hưởng đến vỏ trứng và khả năng bóc vỏ trứng luộc như thế nào.
Tận dụng vỏ trứng cho những mục đích khác
Cuối cùng, khi bạn đã bóc thành công lớp vỏ trứng, đừng chỉ vứt chúng vào thùng rác. Có rất nhiều cách sử dụng khác nhau, bao gồm làm phân compost, đuổi sên và ốc trong vườn, dùng làm chậu phân hủy sinh học nhỏ để gieo hạt, hoặc thậm chí là thứ gì đó tiên tiến như làm giàn giá để nghiên cứu ung thư.
Giàn giá (scaffolds) nghiên cứu ung thư có nghĩa là vỏ trứng được sử dụng như một vật liệu cấu trúc giúp nuôi cấy tế bào (nhờ thành phần canxi cacbonat có trong vỏ trứng), từ đó giúp các nhà khoa học nghiên cứu quá trình phát triển hoặc phản ứng của tế bào với thuốc điều trị.
Những câu hỏi thường gặp
Cách bóc trứng luộc đúng cách?
Chìa khóa nằm ở cách bạn chọn và xử lý trứng ngay từ đầu: hãy dùng trứng không quá tươi, luộc bằng nước đang sôi, có thể thêm một chút muối hoặc giấm để hỗ trợ bóc vỏ. Sau khi luộc xong, ngâm trứng vào nước đá lạnh. Nếu đã làm đúng các bước trên, chỉ cần bóc bình thường, đơn giản thôi bạn đã có thể sở hữu quả trứng láng mịn và đẹp mắt rồi!
Tại sao trứng luộc khó bóc vỏ?
Quả trứng có thể trở nên khó bóc vỏ, nguyên nhân vì bạn luộc khi trứng còn quá mới. Vì vậy với món trứng luộc nên dùng trứng cũ hơn một xíu. Nguyên nhân vì khi trứng để một thời gian, chúng mất bớt độ ẩm thông qua các lỗ li ti ở vỏ và túi khí ở đầu ở trứng to hơn. Ngoài ra độ pH ở vỏ tăng lên khi để lâu làm dễ bóc hơn.
Luộc trứng có cần đậy nắp không?
Khi luộc, bạn nên đậy vung sẽ giúp trứng chín nhanh hơn. Nếu nước đã sôi già, nên giảm lửa (để lửa vừa) để trứng không bị nẩy mạnh trong nồi, gây nứt vỡ.
Luộc trứng bao nhiêu phút?
Nếu bạn muốn ăn trứng luộc lòng đào, bạn đun sôi trứng trong vòng 3 – 5 phút. Muốn ăn trứng chín kỹ thì bạn cần luộc từ 12 – 15 phút.
Hy vọng bài viết trên là nguồn kiến thức hữu ích giúp bạn không phải vật lộn với quả trứng luộc mỗi ngày nhé!
Xem thêm: Tập Gym nên ăn trứng gà hay trứng vịt?
Hãy Click truy cập ngay iFitness.vn - Chuyên thực phẩm bổ sung chính hãng để mua ngay cho mình 1 hũ whey chất lượng nhé. Hoặc Click vào đây để được tư vấn kĩ hơn trước khi mua.
Hotline tư vấn miễn phí: (028) 22.00.2222 hoặc (028) 399 77 777
Địa chỉ: B-00.02 Sarica, KĐT Sala, Đường D9, P. An Lợi Đông, TP. Thủ Đức, TP. HCM